Đây là quan điểm được nhiều đại diện doanh nghiệp đưa ra tại sự kiện “Cà phê nhà thầu xây dựng” do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam phối hợp cùng Tổng công ty 319 tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Theo Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam, dù bối cảnh vĩ mô có nhiều khởi sắc, kinh tế phục hồi, đầu tư công được đẩy mạnh, thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực…, tuy nhiên, các nhà thầu xây dựng trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Cụ thể, các vấn đề như nợ đọng trong khâu thanh toán, định mức giá xây dựng, vật liệu còn chưa sát, thấp hơn giá thị trường và cạnh tranh không lành mạnh trong công tác đấu thầu đang khiến không chỉ các nhà thầu quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn, mà cả các nhà thầu lớn cũng rất vất vả trong duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, với các doanh nghiệp nhà thầu, biên lợi nhuận mỏng, chủ yếu tập trung ở khâu quản lý và nhân công, trong khi định mức giá xây dựng chưa hợp lý, cùng với việc khó khăn trong khâu thanh toán, giải ngân đã khiến nhiều nhà thầu lao đao.
Theo Đại tá Phan Phú, Chủ tịch Tổng công ty 319, vướng mắc trong công tác thanh toán đang là gánh nặng lớn với các nhà thầu xây dựng, trong đó có Tổng công ty 319.
Ông Phú lấy ví dụ, dù đã có các quy định thanh toán theo cơ chế đặc thù cho các mỏ tài nguyên phục vụ công tác thi công dự án, tuy nhiên, quan điểm, cách hiểu của mỗi địa phương lại khác nhau. Từ đó, dẫn đến việc các nhà thầu được thanh toán theo tỷ lệ cũng khác nhau, nhưng cơ bản nhà thầu sẽ bị tồn đọng vốn nhiều. Có dự án, Tổng công ty 319 đã thi công xong phần nền, đang tiến hành làm cấp phối và thảm, nhưng tiến độ thanh toán chỉ được 70% phần nền, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó về vốn, dòng tiền.
Đ/c Đại tá Phan Phú - Chủ tịch TCT 319 phát biểu tại hội nghị
Hay với việc giải phóng mặt bằng mỏ để khai thác nguyên, vật liệu phục vụ dự án, thường các địa phương sẽ giao nhà thầu thoả thuận với người dân. Không ít trường hợp, để có vật liệu thi công, đáp ứng tiến độ đề ra, nhà thầu phải bồi thường cao gấp 10 lần định mức. Tuy nhiên, hạch toán, thanh quyết toán cho phần này không dễ và thường bị chậm.
Đề cập đến một nội dung khác, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, trên thực tế, lợi nhuận của nhà thầu mỏng và chủ yếu nằm ở khâu quản lý, nhân công, tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều vướng mắc.
“Nhiều thời điểm, giá nhân công lên đến 500.000– 600.000đ/người/ngày, trong khi đơn giá quy định chỉ khoảng 1/3, khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tuấn Anh nói và cho biết thêm, công tác giải phóng mặt bằng cũng luôn là một thách thức lớn. Có thể về hạng mục thì dự án đã hoàn thành tới 95%, nhưng 5% còn lại mới là vấn đề lớn.
“Với các dự án giao thông, khối lượng có thể chưa nói lên nhiều điều. Có dự án chúng tôi làm ở Bình Định, giải phóng xong hơn 20 km, nhưng còn 2 km liên quan đến đất rừng, rất khó xử lý và là “điểm tắc nghẽn” có thể ảnh hưởng tiến độ toàn dự án”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đề cập đến một nội dung khác, cũng là tồn tại lớn trong hoạt động của các nhà thầu hiện nay là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Xuân Mai Corp cho biết, trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp tham gia thầu sẵn sàng giảm giá “sâu” đến vài chục phần trăm, và với đặc thù biên lợi nhuận mỏng của doanh nghiệp ngành này, không khó để nhận ra có điểm bất thường. Nhà thầu nếu trúng thầu thì khó có thể hoàn thành dự án, hoặc chất lượng dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, thời gian tới, Hiệp hội sẽ đề xuất lên Chính phủ những vướng mắc nói trên, trong đó tập trung vào các nội dung như định mức, đơn giá, cạnh tranh không lành mạnh, nợ đọng trong hoạt động thầu. Cùng với đó là các đề xuất liên quan đến tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện cho các nhà thầu xây dựng vượt khó trong giai đoạn hiện tại.
Tin: Bình Minh - Báo Đầu tư
Ảnh: Nguyễn Hoàng Giang - Văn phòng TCT